Nơi chia sẻ những tác dụng của cà phê tới sức khỏe con người

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Hướng dẫn sử dụng máy pha cà phê tự động

Không có nhận xét nào :
Sau đây mình sẽ chia sẻ với các bạn các kinh nghiệm sử dụng máy pha cà phê tự động để máy pha cà phê luôn trong tình trạng tốt nhất, tránh những hỏng hóc không đáng có. Ngoài việc vệ sinh khay đựng nước thải , đổ bã cà phê là điều bắt buộc phải làm các bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

1. Vệ sinh phần đánh sữa của máy pha cà phê cẩn thận

Nếu máy của bạn có vòi đánh sữa, sau mỗi lần đánh sữa, một phần sữa sẽ bám lại trên vòi đánh sữa, nếu bạn không lập tức loại bỏ lượng sữa này đi, ngày hôm sau có thể bạn sẽ được uống sữa lên men từ hôm trước đấy :P, thậm chí sau nhiều lần không vệ sinh, vòi đánh sữa có thể bị tắc. Một số người dùng khăn sạch lau vòi đánh sữa sau mỗi lần sử dụng, nhưng như thế là chưa đủ, vì sữa vẫn còn bám lại bên trong vòi đánh sữa. Vì vậy, chúng ta phải vừa dùng khăn ẩm lau vòi đánh sữa bên ngoài vừa phải xả ra một chút hơi để vệ sinh bên trong vòi đánh sữa của máy pha cà phê.

2.  Cần vệ sinh cối ép máy pha cà phê hàng ngày.

Cối ép máy pha cà phê là bộ phận làm việc liên tục, nó sẽ làm nhiệm vụ ép bột cà phê lại để cho nước nóng đi qua lượng bột này tạo thành cà phê. Sau mỗi lần ép cà phê, rất nhiều bã cà phê thừa còn bám lại trên cối ép cà phê, lượng bã cà phê này nếu để lâu ngày sẽ bị mốc gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người uống và thậm chí nếu bị đọng lại quá nhiều có thể gây tắc cối ép, dẫn tới không làm được cà phê. Vì vậy, chúng ta nên vệ sinh cối ép máy pha cà phê thường xuyên, tốt nhất là mỗi ngày một lần nhé.

3. Định kỳ tẩy cặn canxiđể tránh tắc các đường ống dẫn nước có thể dẫn tới hỏng máy pha cà phê

Tất cả các máy pha cà phê sau một thời gian sử dụng sẽ bị đóng cặn canxi tại bình đun nước nóng. đặc biệt là nguồn nước ở Việt Nam, đa phần là độ cứng cao hơn mức cho phép. Vì vậy, chúng ta phải sử dụng bột tẩy cặn chuyên dụng để tẩy cặn cho máy pha cà phê thường xuyên để máy hoạt động tốt, tránh hỏng hóc tối thiểu mỗi năm một lần. Một số máy có chế độ thông minh sẽ tự động cảnh báo người dùng khi máy cần tẩy cặn, khi đó chúng ta nên làm tẩy cặn cho máy càng sớm càng tốt.

4. Không sử dụng hạt cà phê có tẩm bơ dầu

Hạt cà phê có tẩm bơ dầu khi sử dung, bơ dầu sẽ bám vào lưỡi xay, lâu ngày sẽ làm cho máy xay bị tắc không xay được cà phê, dẫn tới không làm được cà phê. Vì vậy, mình khuyến cáo mọi người nên sử dụng cà phê nguyên chất, không tẩm bơ dầu để máy hoạt động trong trạng thái tốt nhất.

5. Một số lưu ý khác khi sử dụng máy pha cà phê

Có rất nhiều người đi du lịch hay công tác một thời gian, khi về nhà thì bật máy không làm được cà phê nữa. Nguyên nhân của hiện tượng này là do độ ẩm không khí ở Việt Nam rất cao làm cho hạt cà phê để trong máy bị ẩm, khi xay cà phê, bột ẩm sẽ bị dính vào lưỡi xay và tắc tại đó dẫn tới không làm được cà phê. Để khắc phục tình trạng này trước khi các bạn đi đâu đó dài ngày, các bạn nên lấy hết hạt cà phê ra khỏi máy, cất vào một túi kín (để tránh mất mùi), sau đó bấm cho máy xay hết lượng cà phê còn lại trong hộp đựng cà phê. Làm như thế sẽ hạn chế đáng kế lỗi tắc máy xay cà phê.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài!

Không có nhận xét nào :